Khiếm thị là gì? Nguyên nhân và cách điều trị khiếm thị

Theo các bác sĩ, người khiếm thị cần được chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược. Vậy khiếm thị là gì, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cách điều trị ra sao. Những thông tin khoa học, chính xác từ chuyên gia sau đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình khắc phục bệnh.

khiem-thi

Khiếm thị là gì?

Khiếm thị còn được gọi là hiện tượng mất khả năng cảm nhận thị giác một phần hoặc toàn phần. Sau khi được điều trị hoặc điều chỉnh khúc xạ, người khiếm thị thường có thị lực bên mắt tốt dưới 3/10 nhưng trên mức không nhận thức được sáng tối, vì thế họ vẫn còn khả năng tận dụng thị lực này để sinh hoạt hàng ngày. Khiếm thị ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường của trẻ em, đối với người trưởng thành, khiếm thị ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn cầu có hơn 125 triệu người mắc khiếm thị, trong đó có tới 65 triệu người bị khiếm thị không phục hồi và cần được hưởng các dịch vụ hỗ trợ. Hầu hết những người bị khiếm thị là người già, vì thế con số này ngày càng tăng nhanh do sự già hóa dân số. Trong khi đó, dù con số khiếm thị ở trẻ em không lớn nhưng lại là gánh nặng khi tính theo năm sống.

Vậy làm thế nào để nhận biết tình trạng bị khiếm thị? Theo các bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể nhận biết qua các dấu hiệu bề ngoài như:

  • Rung rinh mắt;
  • Rung giật nhãn cầu;
  • Không nhìn theo vật hoặc không nhận biết được gương mặt của người khác;
  • Không nhìn rõ khi trời tối, có ánh sáng nhấp nháy tại góc mắt;
  • Gặp khó khăn khi đi lại hoặc lên xuống cầu thang;
  • Cố gắng đọc sách hoặc nhìn mọi vật xung quanh ở khoảng cách gần;
  • Không thể đọc chữ trên bảng đen hoặc các biển hiệu có cỡ chữ bình thường, không đọc được chữ nhỏ trên sách, báo;
  • Có tiền sử phẫu thuật và điều trị bệnh mắt nhưng thị lực không cải thiện,…
Xem thêm  Có nên cho bé uống nước đóng chai không?

nguoi-bi-khiem-thi

Khiếm thị và mù có phải là một?

Nhiều người có quan niệm rằng khiếm thị và mù là một, tuy nhiên điều này là không đúng. Khác với người mù, người khiếm thị sau khi đã được điều trị tốt nhất thì vẫn còn khả năng để sử dụng và thích nghi với phần thị giác ít ỏi của mình. Còn mù thì tình trạng mất thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt. Theo ước tính của WHO, số người khiếm thị hiện nay nhiều gấp 3 lần lượng người bị mù. Trong đó, số người khiếm thị mức độ rất nặng chiếm tỷ lệ khá cao.

Một trong những nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của những người khiếm thị rất khó khăn khiến họ không có khả năng điều trị bệnh một cách triệt để, khiến mức độ di chứng của bệnh trở nên nặng hơn. Trong khi đó, việc khám và phát hiện người khiếm thị hiện có nhiều khó khăn. Bản thân những người khiếm thị tiếp cận các thông tin cũng rất hạn chế, rất cần nhận được sự hỗ trợ.

tuoi-gia-khiem-thi

Nguyên nhân nào gây ra khiếm thị?

Với những thông tin trên đã giúp chúng ta hiểu rõ khiếm thị là gì nhưng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Theo các bác sĩ, dựa trên nghiên cứu và thực tế của người bệnh, các nguyên nhân gây khiếm thị thường gặp bao gồm:

Các bệnh mắt bẩm sinh hoặc di truyền: Một số bệnh như đục thể thủy tinh bẩm sinh, glocom bẩm sinh, rung giật nhãn cầu bẩm sinh, thoái hóa sắc tố võng mạc, thoái hóa điểm vàng, nhãn cầu nhỏ, rối loạn thị giác,… đều có thể dẫn đến khiếm thị.

Một số bệnh toàn thân bẩm sinh hoặc di truyền: Không chỉ riêng bệnh về mắt mà các bệnh liên quan đến bộ phận khác trên thân thể như bạch tạng, Rubella bẩm sinh, tai biến mạch máu não,… cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếm thị.

Xem thêm  Vitamin và chất khoáng trong lương thực ngũ cốc

Nhóm bệnh liên quan đến tật khúc xạ cao: Người bị cận thị thoái hóa, viễn thị nặng, mắt cận lệch, loạn thị,… cũng có khả năng dẫn đến khiếm thị.

Di chứng của các bệnh về mắt: Một số di chứng như sẹo đục giác mạc sau chấn thương, bỏng mắt, viêm màng bồ đào, bong võng mạc,… cũng ảnh hưởng đến nguy cơ gây khiếm thị.
Nhóm bệnh lý đáy mắt liên quan tuổi già: Thoái hóa hoàng điểm tuổi già, đục thủy tinh thể,…

bi-khiem-thi

Điều trị khiếm thị như thế nào?

Khi hiểu rõ khiếm thị là gì và phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được đánh giá tổng thể về tình trạng bệnh, từ đó tìm ra các biện pháp phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các thiết bị trợ thị và hướng dẫn thực hiện kỹ năng nhìn, cải thiện môi trường sống phù hợp. Về cơ bản, hiện nay có 2 loại trợ cụ khiếm thị chủ yếu bao gồm:

Trợ cụ quang học: Đây là thiết bị gồm một hay nhiều thấu kính đặt giữa mắt và vật nhằm phóng đại ảnh trên võng mạc như kính viễn vọng (nhìn xa), kính lúp (nhìn gần),…

Trợ cụ phi quang học: Đây là những dụng cụ có chi phí vừa phải, phù hợp với đại đa số người bệnh, không dùng đến thấu kính quang học. Đó là dạng sử dụng công nghệ để hỗ trợ giúp nhìn rõ vật hơn nhờ cơ chế tăng kích thước, vị trí, hình dạng, màu sắc và độ tương phản. Một số trợ cụ loại này như máy phóng đại, sách in cỡ chữ to, kính lọc màu, đèn chiếu sáng, giá đọc sách,…

Các thiết bị hỗ trợ ngoài thị giác: Thiết bị hỗ trợ xúc giác như gậy, điện thoại phím nổi,… cũng là những vật dụng hữu ích cho người khiếm thị.

Như vậy, với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn khiếm thị là gì và nguyên nhân và giải pháp điều trị phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm tình trạng bệnh để có thể can thiệp kịp thời bạn nhé!

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn